Mô hình kinh doanh BNI: “Cuộc chơi” mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mô hình kinh doanh BNI: “Cuộc chơi” mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày đăng : 22/11/2019 - 11:44 AMTrao đổi với BizLIVE, luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc Công ty Luật gia Phạm, đồng thời là Giám đốc BNI khu vực Hà Nội 6 cho biết mô hình kinh doanh dựa trên mối quan hệ sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa sát cánh bên nhau để tận dụng được các nguồn lực cùng nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp phát triển được một mạng lưới khách hàng cũng giúp cho những doanh nghiệp khác cùng phát triển, tăng giá trị gia tăng cho cả một cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng khả năng đào tạo và học hỏi giữa các thành viên BNI với nhau, giúp cho các thành viên hỗ trợ, đào tạo cho các thành viên khác, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng và marketing, cái mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang rất yếu.
“Thường thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tập trung vào phát triển sản phẩm hơn là phát triển khách hàng. Do đó, thông qua BNI các doanh nghiệp sẽ gắn kết với nhau để trao đổi các kinh nghiệm mở rộng mạng lưới khách hàng. Đó cũng là cách tiết kiệm nguồn lực khá lớn cho các loại hình doanh nghiệp này”, ông Long phân tích.
Hơn thế nữa, khi hội nhập, sẽ có ngày càng nhiều công ty đa quốc gia của nước ngoài vào Việt Nam, sự gắn bó giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau cũng có thể liên kết để tạo nên sức mạnh để có thể cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Long trong những năm qua khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam một trong những điều khổ tâm nhất của ông chính là ngoại ngữ của những người đứng đầu doanh nghiệp.
“Ngày nay chúng ta có thể thấy rất nhiều doanh nhân nước ngoài, thậm chí doanh nhân Lào, Campuchia, là những nước không nói tiếng Anh trước đây nhưng hiện nay họ đang có trình độ tiếng Anh cao hơn hẳn doanh nhân của nước ta”, ông Long cho biết.
“Chúng ta thấy rằng đến nay rất nhiều doanh nhân của chúng ta vẫn còn rất nhiều người cần đến dịch tiếng Anh cơ bản. Đây là một cản trở lớn khi giao tiếp với nước ngoài, nó không chỉ ảnh hưởng đến giao tiếp mà còn cả việc học tập so với các doanh nhân nước ngoài. Do đó, việc mỗi nhà doanh nghiệp cần học tập nâng cao trình độ tiếng Anh là hết sức cần thiết để có thể mở rộng khả năng của mình”, ông Long nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, học tập nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm marketing và bán hàng từ các nước trên thế giới. Đây là một bài toán lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới.
BNI là tổ chức kết nối thương mại do Tiến sĩ Ivan Misner sáng lập năm 1985 ở Mỹ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phương thức hoạt động như một hiệp hội dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trao đổi các cơ hội kinh doanh, bán chéo sản phẩm giữa các thành viên. BNI hiện đang có mặt tại 56 quốc gia trên thế giới với hơn 150.000 hội viên là các chủ doanh nghiệp.
Mỗi năm, tổng doanh thu từ các hội viên BNI đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
BNI hoạt động theo mô hình các chi hội (chapter), mỗi chapter có từ 25 đến 72 hội viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau.
Hoạt động của các hội viên là giao lưu, đào tạo, kết nối hàng tuần thông qua các buổi hội thảo.
Mục tiêu của BNI là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội gia tăng doanh thu từ việc bán chéo các sản phẩm, dịch vụ giữa các thành viên trong cùng một chapter cũng như đem đến cơ hội mở rộng doanh thu từ các mối quan hệ khác của thành viên.
Kể từ khi du nhập vào Việt Nam, BNI đã thu hút rất nhanh các doanh nghiệp tham gia do sự mới lạ của mô hình kết nối do BNI mang lại là mở rộng kinh doanh thông qua việc kết nối và mở rộng mối quan hệ cá nhân.